Phục hồi chức năng
GIỚI THIỆU VỀ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
MỤC TIÊU HỌC
Sau khi kết thúc buổi học, học viên có thể:
- Định nghĩa phục hồi chức năng
- Kể ra các thành viên của nhóm PHCN
- Định nghĩa các dạng dịch vụ PHCN
- Liệt kê các giai đoạn của qui trình PHCN
ĐỊNH NGHĨA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Trước hết, chúng ta cần hiểu về “Sự suy giảm khả năng/khó khăn trong hoạt động (disability)”. Theo WHO 2001, đó là:
- Là sự tương quan động giữa tình trạng trạng sức khỏe và bối cảnh xung quanh
- Những vấn đề trong hoạt động được xếp thành 3 loại tương quan nhau:
- Khiếm khuyết trên cơ thể
- Giới hạn về hoạt động cá nhân
- Hạn chế về sự tham gia hoạt động xã hội
Theo WHO 2011, PHCN là bộ các biện pháp hỗ trợ các cá nhân, mà có hay có vẻ có sự suy giảm khả năng, đạt được hay duy trì hoạt động tối ưu trong sự tương tác với môi trường.
PHCN nhắm tới đạt được các kết quả sau:
- Ngăn ngừa sự mất chức năng
- Làm chậm sự mất chức năng
- Cải thiện hay khôi phục chức năng
- Bù trừ chức năng đã mất
- Duy trì chức năng hiện có
CÁC THÀNH VIÊN CỦA NHÓM PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Nhóm PHCN bao gồm rất nhiều thành viên, tùy theo mức độ can thiệp. Bao gồm các thành viên như sau:
- Nhân viên y tế: quản lý khía cạnh y tế như chữa bệnh, an dưỡng
- Chuyên viên giáo dục: quản lý vấn đề học tập
- Chuyên viên việc làm: quản lý vấn đề việc làm như học việc, tìm việc làm phù hợp
- Phúc lợi xã hội: quản lý vấn đề an sinh như bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, chi phí ăn ở…
- Nhóm hoạt động cộng đồng: hỗ trợ vấn đề hòa nhập cộng đồng
- Gia đình
- Bạn bè
- …
Trong lĩnh vực y tế, bao gồm nhiều thành viên có vai trò hỗ trợ nhau:
- Bác sĩ
- Điều dưỡng
- Chuyên viên vật lý trị liệu:
- Chuyên viên hoạt động trị liệu
- Chuyên viên âm ngữ trị liệu
- Nhân viên y xã hội
- Chuyên viên dụng cụ chỉnh hình
- Chuyên gia tâm lý
- Chuyên gia dinh dưỡng
- …
CÁC HÌNH THỨC HỢP TÁC GIỮA CÁC CHUYÊN NGÀNH, CHUYÊN KHOA
Vì có nhiều thành viên cùng làm việc với nhau, hướng đến cùng một khách hàng, bệnh nhân nên cần có sự hợp tác hiệu quả trong nhóm PHCN. Tùy theo hình thức, có thể tạm chia thành 3 loại hình hợp tác như sau:
- Hợp tác Đa chuyên ngành (Multidisciplinary): các chuyên ngành làm việc cùng nhau để chăm sóc một bệnh nhân. Mỗi chuyên ngành làm việc riêng, chương trình riêng.
- Hợp tác Liên chuyên ngành (Interdisciplinary): vượt ra các rào cản truyền thống, làm việc cùng nhau trên một bệnh nhân, cùng mục tiêu chung; tăng cường sự chăm sóc lấy bệnh nhân làm trung tâm, giảm sự đánh giá trùng lấp.
- Hợp tác Xuyên chuyên ngành (Transdisciplinary): chia sẽ kiến thức và kĩ năng; nhấn mạnh sự đào tạo lẫn nhau giữa các chuyên khoa (cross-training).
TÍNH LIÊN TỤC CỦA PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
PHCN là một quá trình liên tục, diễn ra từ lúc mới khởi bệnh. Có thể chia làm 3 giai đoạn:
- Giai đoạn nội trú cấp tính: Chăm sóc trong bệnh viện. Bệnh tương đối nặng. Thời gian ngắn
- Giai đoạn nội trú bán cấp tính
- Giai đoạn lưu động mạn tính: gồm 3 dạng
- Bệnh viện ban ngày
- Phòng khám ngoại trú
- Chăm sóc tại nhà
CÁC HÌNH THỨC DỊCH VỤ PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
- PHCN tại viện cấp tính:
- Diễn ra trong các đơn vị chăm sóc đặc biệt, cấp cứu
- Bệnh tương đối nặng
- Thường quan tâm vấn đề ảnh hưởng đến sự sống còn như chống loét, viêm phổi do nằm lâu, thông khí cơ học…
- PHCN tại viện bán cấp:
- Hoặc diễn ra tại phòng bệnh thường trong bệnh viện
- Hoặc diễn ra tại một trung tâm PHCN bên cạnh bệnh viện điều trị giai đoạn cấp
- PHCN bán trú (đơn vị điều trị trong ngày):
- Khách hàng đến và nhận dịch vụ trong ngày.
- Ví dụ thường gặp ở trẻ khuyết tật đến trung tâm vào buổi sáng, về buổi chiều. Tại đây, trẻ vừa có được dạy học, chăm sóc, vận động trị liệu, giải trí…
- PHCN ngoại trú
- Khách hàng đến và nhận dịch vụ trong một vài đơn vị thời gian điều trị như một giờ, hai giờ theo lịch hẹn.
- PHCN tại nhà
- Nhân viên nhóm PHCN sẽ đến nhà bệnh nhân để cung cấp dịch vụ.
- Thường dành cho khách hàng không có khả năng đến trung tâm hay khi sự PHCN cần diễn ra trong môi trường thực thế.
- PHCN chỉ đạo tuyến
- Là mô hình liên kết giữa bệnh viện “trung tâm” và bệnh viện “vệ tinh”
- Hai nhóm PHCN sẽ làm việc cùng nhau để đạt mục tiêu. Dịch vụ PHCN chủ yếu được cung cấp trực tiếp từ các nhân viên hỗ trợ tại “vệ tinh”, ngoài cơ sở chuyên khoa, tại nhà.
- Mô hình này giúp giảm áp lực thiếu nhân sự chuyên môn sâu tại các vùng thưa dân.
- PHCN dựa vào cộng đồng tại Việt Nam thuộc mô hình này.
QUI TRÌNH PHỤC HỒI CHỨC NĂNG
Bao gồm 5 bước:
- Chuyển viện, tiếp cận, tiếp xúc ban đầu
- Đánh giá lúc nhập viện
- Lên kế hoạch phục hồi chức năng
Gồm hai phần:
- Quản lý bệnh nhân/khách hàng
- Thiết lập mục tiêu điều trị
- Sử dụng kế hoạch điều trị đã chuẩn hóa
- Họp nhóm (case conference)
- Người điều phối ca (case coordinators)
- Gắn kết bệnh nhân và người chăm sóc
- Cung cấp thông tin cho khách hàng, gia đình và người chăm sóc theo guideline
- Cung cấp dịch vụ
- Điều trị cần tuân theo chứng cứ khoa học mới, hướng dẫn điều trị, chuẩn mực.
- Quản lý cường độ điều trị:
- Loại: điều trị một kèm một, điều trị nhóm, tự quản lý
- Tính giờ, thời lượng và tần số
- Sự liên tục qua các đơn vị
- Sự liên tục qua cuối tuần
- Xuất/Chuyển viện, theo dõi, tái nhập viện
PHỤC HỒI CHỨC NĂNG TẠI VIỆT NAM
- Mạng lưới PHCN:
Tính đến hết năm 2012, cả nước có 63 Bệnh viện/Trung tâm Điều dưỡng – Phục hồi chức năng và hệ thống các khoa VLTL-PHCN tại các BV các tuyến.
- Tuyến trung ương:
- TT PHCN BV Bạch Mai đứng đầu ngành toàn quốc
- BV ĐDPHCN Trung Ương (Sầm Sơn, Thanh Hóa)
- 100% các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến trung ương có khoa PHCN
- Tuyến tỉnh, thành phố:
- Có 38 BV/TT ĐDPHCN trực thuộc tỉnh, thành phố
- Có 23 BV/TT thuộc các Bộ, ngành
- 98% các bệnh viện đa khoa và chuyên khoa tuyến tỉnh/thành phố có khoa PHCN
- Tuyến huyện: thường không có khoa PHCN riêng, thường ghép với khoa khác như YHCT
- Tuyến xã: chỉ có đơn vị phụ trách PHCN nếu có chuơng trình PHCN dựa vào cộng đồng.
- Những khó khăn:
- Thiếu nhân sự
- Chưa hiểu rộng về sự giảm khả năng
- Không chỉ định sớm PHCN
- Chưa thiết lập Hướng dẫn điều trị PHCN
- Chưa quản lý tốt khâu tính giờ dịch vụ
- BHYT chưa rộng khắp các dịch vụ
- Tinh thần làm việc nhóm chưa tốt
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- WHO (2011). Concept paper. In: WHO guidelines on health-related rehabilitation.
- WHO (2001). ICF.
- NSW Health Rehabilitation Redesign Project. Final report – Model of care. Version 1.5 / Issued 06/01/2015.
- Erica Cohen (2014). Everything you need to know about the Medicare 8-Minute Rule. Retrieved from webpt.com.
- Bộ Y tế (2013). Tài liệu triển khai công tác phục hồi chức năng năm 2013. Thành phố Đà Nẵng.
CÂU HỎI TỰ LƯỢNG GIÁ
- PHCN sớm tại giường bệnh tại BVCR là hình thức dịch vụ PHCN nào:
- PHCN tại viện – cấp
- PHCN tại viện – bán cấp
- PHCN tại viện – bán trú
- PHCN ngoại trú
- Cả hai câu A. và B. đều đúng
- Bệnh nhân gãy xương đùi, sống ở Bạc Liêu, được mổ kết hợp xương tại BVCR. Mỗi tháng, bệnh nhân tái khám CTCH, sau đó đến khoa PHCN để được hướng dẫn tự tập tại nhà. Đây là hình thức dịch vụ PHCN nào:
- Tại viện – bán cấp
- Tại viện – bán trú
- Ngoại trú
- Tại nhà
- Chỉ đạo tuyến
- Mô hình PHCN dựa vào cộng đồng là loại hình dịch vụ nào:
- PHCN tại viện – bán cấp
- PHCN tại viện – bán trú
- PHCN ngoại trú
- PHCN tại nhà
- PHCN chỉ đạo tuyến
- Về mặt định nghĩa, PHCN là bộ biện pháp hỗ trợ cho đối tượng nào sau đây:
- Liệt vận động
- Mất cảm giác
- Suy giảm chức năng
- Khó giao tiếp
- Khó hòa nhập cộng đồng
- Một nghệ sĩ múa được xem là có suy giảm khả năng khi có những điều sau đây, NGOẠI TRỪ:
- Viêm cân gan bàn chân hai bên
- Không thể nhón gót với cao
- Bàn chân đau khi đi
- Không thể thực hiện động tác nhún nhảy
- Bỏ việc biểu diễn vì không thể múa hết buổi
- Xây dựng chế độ hưởng BHYT ưu tiên cho người khuyết tật là công việc của nhóm người nào sau đây:
- Nhân viên y tế
- Chuyên viên giáo dục
- Chuyên viên việc làm
- Chuyên viên phúc lợi xã hội
- Nhóm hoạt động cộng đồng
- Tại Trung tâm PHCN tủy sống, một bệnh nhân cần xoay trở tránh loét tì đè. Nhân viên y tế nào sau đây là thích hợp nhất:
- Bác sĩ
- Điều dưỡng
- Chuyên viên vật lý trị liệu
- Chuyên viên hoạt động trị liệu
- Chuyên gia dinh dưỡng
- Các chuyên khoa cùng điều trị một bệnh nhân nhưng lại không nắm rõ quá trình điều trị thực tế của nhau, dẫn đến phối hợp chưa tốt. Nguyên nhân là chưa thực hiện tốt khâu nào:
- Thiết lập mục tiêu điều trị
- Sử dụng kế hoạch điều trị đã chuẩn hóa
- Ghi hồ sơ bệnh án
- Họp nhóm
- Hoạt động của người điều phối ca
- Quản lý cường độ điều trị là xem xét về các vấn đề sau:
- Loại: điều trị một kèm một, điều trị nhóm, tự quản lý
- Tính giờ, thời lượng và tần số
- Mức đề kháng của các bài tập
- Sự liên tục qua các đơn vị
- Sự liên tục qua cuối tuần
- Một bệnh nhân bị TBMMN bán cầu trái, vừa mới được chuyển từ Khoa cấp cứu lên Khoa Nội thần kinh. Thời điểm nào là thích hợp nhất để tiến hành PHCN:
- Khi bệnh nhân đang được làm thủ tục vào Phòng đột quị
- Khi bệnh nhân đang được điều trị tại Phòng đột quị
- Khi bệnh nhân được chuyển ra phòng bệnh thường
- Khi bệnh nhân được lên kế hoạch xuất viện
- Khi bệnh nhân được xuất viện về nhà
Đáp án: 1A, 2C, 3E, 4C, 5A, 6D, 7B, 8D, 9C, 10B